Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định viên giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm của Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long được ban hành kèm theo Quyết định số 254/QĐ-KĐCLGDTL ngày 02/12/2022 của Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long.
1. Mục tiêu
Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định viên (KĐV) giáo dục đại học (GDĐH) và cao đẳng sư phạm (CĐSP) có các năng lực sau:
- Có kiến thức cơ bản về quản lý, quản trị đại học và bảo đảm chất lượng GDĐH; am hiểu các bộ tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục (CSGD) và chương trình đào tạo (CTĐT);
- Có kỹ năng phân tích, đánh giá thông tin, minh chứng; kỹ năng hướng dẫn, viết và thẩm định báo cáo (BC) tự đánh giá (TĐG); kỹ năng kiểm tra, đánh giá chất lượng minh chứng, quan sát đánh giá hiện trường, phỏng vấn các bên liên quan, kiểm chứng, đánh giá thông tin, minh chứng và viết BC đánh giá ngoài (ĐGN);
- Có khả năng làm việc độc lập, làm việc nhóm; có trách nhiệm đối với CSGD, trách nhiệm với tổ chức kiểm định và trách nhiệm với toàn xã hội.
2. Chuẩn đầu ra
Kết thúc khóa học, người học có những năng lực cần thiết của một KĐV cụ thể dưới đây:
2.1. Về kiến thức
- K1: Phân tích được nguyên tắc tổ chức và hoạt động của CSGD; quản trị và quản lý cơ sở đào tạo (CSĐT); các bên liên quan bên trong và ngoài CSGD; vị trí, vai trò của các bên liên quan đến các hoạt động của CSGD;
- K2: Giải thích được các khái niệm về chất lượng, chất lượng giáo dục; chất lượng một cơ sở giáo dục trên cơ sở bộ chuẩn, quản lý chất lượng GDĐH; vị trí, vai trò của hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong CSĐT;
- K3: Vận dụng được các quy định về kiểm định chất lượng CSĐT; những yêu cầu, mốc chuẩn của các tiêu chí trong bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng và kết quả kiểm định chất lượng CSĐT;
- K4: Vận dụng được các quy định về kiểm định chất lượng CTĐT các trình độ của GDĐH, CĐSP; những yêu cầu, mốc chuẩn của các tiêu chí trong bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng và kết quả kiểm định chất lượng CTĐT các trình độ của GDĐH, CĐSP.
2.2. Về kỹ năng
- S1: Hướng dẫn được các cơ sở đào tạo sử dụng bộ tiêu chuẩn chất lượng để xây dựng và vận hành hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong;
- S2: Đánh giá đươc hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong: sử dụng thành thạo kỹ thuật thu thập minh chứng, đánh giá quy trình chuẩn bị minh chứng, phân loại và mã hóa minh chứng; phân tích thông tin và viết BC TĐG các tiêu chí, đáp ứng yêu cầu, mốc chuẩn các tiêu chí trong bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng CSĐT và CTĐT;
- S3: Đánh giá được mức độ phù hợp nội dung mô tả với quy trình, yêu cầu, mốc chuẩn của tiêu chí; mức độ phù hợp của thông tin và minh chứng kèm theo; cơ sở đưa ra nhận định, đánh giá điểm mạnh, điểm tồn tại, kế hoạch hành động; mức điểm TĐG so với thang điểm và kết quả đạt được; nhận xét, khuyến nghị CSĐT hoàn thiện BC TĐG;
- S4: Đánh giá được chất lượng thông tin, minh chứng, mức độ phù hợp, chất lượng nội dung minh chứng so với thông tin được thể hiện trong BC TĐG; quan sát đánh giá tại hiện trường; phỏng vấn các bên liên quan, thu thập thông tin, làm cơ sở viết BC ĐGN các tiêu chí, tiêu chuẩn;
- S5: Có kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm hiệu quả trong các hoạt động quan sát hiện trường; phỏng vấn, giao tiếp trao đổi thông tin; sử dụng hiệu quả ngoại ngữ và công nghệ thông tin phục vụ cho công việc.
2.3. Về mức tự chủ và trách nhiệm
- A1: Làm việc độc lập, đưa ra những nhận định, đánh giá chính xác, khách quan, trung thực, những khuyến nghị phù hợp, khả thi để cải tiến các hoạt động liên quan, nâng cao chất lượng đào tạo;
- A2: Xác định rõ trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp trong các tình huống công việc chuyên môn để đưa ra được các nhận xét, đánh giá chính xác khách quan và các khuyến nghị phù hợp với định hướng phát triển của cơ sở giáo dục và xu hướng hội nhập quốc tế.
3. Đối tượng tuyển sinh
Đối tượng tuyển sinh là những người có bằng tốt nghiệp thạc sĩ hoặc tương đương trở lên; có ít nhất 03 năm làm việc trong lĩnh vực GDĐH, CĐSP; có nguyện vọng trở thành KĐV GDĐH, CĐSP.
4. Cấu trúc và nội dung chương trình
4.1. Khung nội dung và thời lượng chương trình
TT | Tên chuyên đề | Số đơn vị tín chí (*) | Số giờ học tập (**) | |||
Tổng số | Lý thuyết | Thực hành, thảo luận, bài tập/ kiến tập, thực tập |
Lý thuyết | Thực hành, thảo luận, bài tập/ kiến tập, thực tập |
||
1 | Phần I. Tổng quan về bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục | 3 | 2 | 1 | 30 | 120 |
2 | Phần II. Hệ thống bảo đảm chất lượng CSGD; tự đánh giá và đánh giá ngoài CSGD | 3 | 1 | 2 | 15 | 135 |
3 | Phần III. Hệ thống bảo đảm chất lượng và vận hành CTĐT; tự đánh giá và đánh giá ngoài CTĐT | 3 | 1 | 2 | 15 | 135 |
4 | Phần IV. Kiến tập, thực tập | 1 | 0 | 1 | 0 | 50 |
Tổng | 10 | 4 | 6 | 60 | 440 |
- Khối lượng học tập toàn khóa: 10 tín chỉ.
- Trong điều kiện thông thường, thời lượng cho hoạt động dạy và học trực tuyến được thực hiện không quá 30% tổng thời lượng của từng phần I, II và III.
(*) Một tín chỉ được tính tương đương 50 giờ học tập của người học (bao gồm cả thời gian dự giờ giảng, giờ học có hướng dẫn, tự học, nghiên cứu, trải nghiệm và dự kiểm tra, đánh giá).
(**) Đối với hoạt động dạy học trên lớp, một tín chỉ yêu cầu thực hiện tối thiểu 15 giờ giảng hoặc 30 giờ thực hành, thí nghiệm, thảo luận trong đó một giờ trên lớp được tính bằng 50 phút. Mỗi giờ thực tập, kiến tập bằng 60 phút.
4.2. Mô tả nội dung
4.2.1. Phần I: Tổng quan về bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục (03 tín chỉ).
a) Mục tiêu
- Chuyên đề giúp học viên phân biệt khái niệm chất lượng, chất lượng giáo dục, chất lượng CSGD vai trò của bộ chuẩn đánh giá chất lượng CSGD trong việc xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong CSGD;
- Chuyên đề cũng có mục tiêu giúp học viên rèn luyện kỹ năng xây dựng, vận hành, tự đánh giá hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong nhằm duy trì và nâng cao chất lượng CSGD.
b) Chuẩn đầu ra
* Về kiến thức:
- Phân biệt được các khái niệm: chất lượng nói chung, chất lượng giáo dục nói chung, chất lượng hệ thống giáo dục, chất lượng các bậc học, chất lượng một CSGD nói riêng;
- Giải thích được khái niệm bảo đảm chất lượng, kiểm định chất lượng;
- Giải thích được khái niệm quản lý CSGD đại học với bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng;
- Vận dụng được quy trình sử dụng bộ chuẩn chất lượng để xây dựng, vận hành và cải tiến hệ thống bảo đảm chất lượng CSGD đại học;
- Giải thích được vai trò của hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong trên cơ sở bộ chuẩn, của kiểm định chất lượng với việc bảo đảm, duy trì và nâng cao chất lượng CSGD;
- Giải thích được vai trò của bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng trong việc quảng bá thương hiệu và giải trình xã hội của CSGD đại học.
* Về kỹ năng:
- Sử dụng được bộ chuẩn để phác thảo được hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong;
- Hướng dẫn được các trường xây dựng, vận hành và cải tiến hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong trên cơ sở bộ chuẩn chất lượng.
* Về mức tự chủ và trách nhiệm:
- Xác định được tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn của KĐV trong hoạt động kiểm định chất lượng CSĐT;
- Xác định rõ trách nhiệm đạo đức và nghề nghiệp trong các tình huống công việc chuyên môn để đưa ra được các nhận xét, đánh giá chính xác khách quan và các khuyến nghị phù hợp với định hướng phát triển của CSGD và xu hướng hội nhập quốc tế.
c) Nội dung
- Những vấn đề lý luận cơ bản liên quan đến bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng CSGD, CTĐT;
- Những vấn đề lý luận về quản lý CSGD đại học, CTĐT với hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong;
- Một số mô hình về bảo đảm chất lượng giáo dục đại học trên thế giới, xu hướng phát triển và bài học kinh nghiệm;
- Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành về bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng GDĐH, CĐSP.
d) Hoạt động dạy và học
Thuyết trình, kết hợp làm việc nhóm, thực hành, hướng dẫn tự học.
đ) Phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập
- Bài tập nhóm, bài thu hoạch, bài kiểm tra cá nhân;
- Đánh giá sự tham gia, hỏi và đáp của người học trong thời gian nghe giảng và thực hành 40%. Bài kiểm tra đánh giá cuối kỳ 60%. Người học đạt trên trung các bài kiểm tra thường xuyên và giữa kỳ mới được dự bài kiểm tra kết thúc;
- Người học được đánh giá mức “Đạt” ở Phần I nếu bài kiểm tra kết thúc phần học đạt điểm 6/10 trở lên.
4.2.2. Phần II: Hệ thống bảo đảm chất lượng cơ sở giáo dục; tự đánh giá và đánh giá ngoài cơ sở giáo dục (03 tín chỉ).
a) Mục tiêu
Đào tạo KĐV có kiến thức vững chắc về nội dung của các bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng CSĐT; có kỹ năng tốt trong tổ chức và thực hiện viết BC TĐG CSĐT; có kỹ năng tốt để thực hiện hoạt động đánh giá ngoài CSĐT; có tinh thần trách nhiệm, công tâm trong hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục.
b) Chuẩn đầu ra
* Về kiến thức:
- Vận dụng được các kiến thức có liên quan về hệ thống bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục trong nước và quốc tế để hướng dẫn các CSĐT tổ chức, vận hành hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong CSĐT một cách hiệu quả;
- Phân tích chính xác được các quy định hiện hành về kiểm định chất lượng CSĐT và các bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng CSGD đại học và trường CĐSP trong nước;
- Vận dụng được những nội dung, mốc chuẩn của các tiêu chí trong các bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng CSĐT trong hoạt động viết BC TĐG, viết thẩm định BC TĐG và viết BC ĐGN.
* Về kỹ năng:
- Có khả năng tổ chức thực hiện viết BC TĐG CSGD;
- Có năng lực tốt trong hoạt động thẩm định hồ sơ tự đánh giá và năng lực phân tích BC TĐG, thu thập thông tin, phân tích/đánh giá thông tin và viết BC ĐGN;
- Có năng lực xác định vấn đề và giải quyết vấn đề, tư duy phản biện và độc lập, tự chủ trong công việc chuyên môn;
- Có kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm hiệu quả, có khả năng làm việc độc lập và đưa ra được những nhận định, đánh giá chính xác, khách quan, trung thực trong hoạt động thẩm định BC TĐG và ĐGN CSĐT.
* Về mức tự chủ và trách nhiệm:
- Xác định được tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn của KĐV trong hoạt động kiểm định chất lượng CSĐT;
- Xác định rõ trách nhiệm đạo đức và nghề nghiệp trong các tình huống công việc chuyên môn để đưa ra được các nhận xét, đánh giá chính xác khách quan và các khuyến nghị phù hợp với định hướng phát triển của CSGD và xu hướng hội nhập quốc tế.
c) Nội dung
- Mô hình bảo đảm chất lượng và hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong của CSGD đại học và trường CĐSP;
- Giới thiệu Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng CSGD đại học và trường CĐSP;
- Quy trình và cách thức triển khai hoạt động viết BC TĐG chất lượng CSGD đại học và trường CĐSP;
- Xây dựng danh mục minh chứng phục vụ cho viết BC TĐG chất lượng CSGD đại học và trường CĐSP;
- Phương pháp viết BC TĐG theo các bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng CSGD đại học và trường CĐSP;
- Phương pháp viết BC ĐGN theo các bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng CSGD đại học và trường CĐSP;
- Thẩm định báo cáo tự đánh giá chất lượng CSGD đại học và CĐSP.
d) Hoạt động dạy và học
Thuyết trình, hướng dẫn trực tiếp hoặc online, thảo luận, thực hành.
đ) Phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập
- Đánh giá kết quả tự học, thảo luận nhóm, bài tập, bài thực hành viết BC TĐG, thẩm định BC TĐG và ĐGN;
- Người học phải hoàn thành đủ các bài tập bắt buộc, bài kiểm tra giữa kỳ để được tham gia bài thi kết thúc. Điểm đánh giá quá trình 30%, điểm kiểm tra giữa kỳ 30%, điểm thi kết thúc học phần 40%. Người học được đánh giá mức “Đạt” ở Phần II nếu có kết quả bài kiểm tra kết thúc đạt 6/10 điểm trở lên.
4.2.3. Phần III: Hệ thống bảo đảm chất lượng và vận hành chương trình đào tạo; tự đánh giá và đánh giá ngoài chương trình đào tạo (03 tín chỉ).
a) Mục tiêu
- Kết thúc chuyên đề, người học có kiến thức về kiểm định CTĐT, am hiểu các bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng CTĐT các trình độ của GDĐH và CĐSP;
- Có kỹ năng phân tích, đánh giá thông tin, minh chứng; kỹ năng hướng dẫn, viết và thẩm định BC TĐG, đánh giá và viết BC ĐGN có chất lượng đối với CTĐT các trình độ của GDĐH và CĐSP;
- Có khả năng làm việc độc lập, làm việc nhóm; có trách nhiệm đối với CSĐT, trách nhiệm với tổ chức kiểm định và trách nhiệm với toàn xã hội.
b) Chuẩn đầu ra
* Về kiến thức:
- Vận dụng được các quy định hiện hành về KĐCL CTĐT các trình độ của GDĐH và CTĐT CĐSP;
- Sử dụng được những yêu cầu, mốc chuẩn của các tiêu chí trong các bộ tiêu chuẩn đánh giá CTĐT các trình độ của GDĐH và CTĐT CĐSP;
- Áp dụng kiến thức lý thuyết và thực tế trong việc triển khai TĐG, ĐGN; viết BC TĐG và viết BC ĐGN.
* Về kỹ năng:
- Thẩm định được hồ sơ TĐG CTĐT;
- Lập được kế hoạch đánh giá CTĐT;
- Thực hiện các hoạt động đánh giá; thu thập, phân tích dữ liệu và đánh giá thông tin xây dựng BC ĐGN;
- Giao tiếp và làm việc hiệu quả với thành viên đoàn ĐGN và các bên liên quan;
- Quản lý thời gian và áp dụng công nghệ thông tin hiệu quả trong hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục.
* Về mức tự chủ và trách nhiệm:
- Làm việc độc lập, tuân thủ các quy định, đưa ra những nhận định, đánh giá chính xác, khách quan, trung thực khi xây dựng phần tiêu chí, tiêu chuẩn được giao viết BC TĐG;
- Thực hiện thẩm định BC TĐG CTĐT dưới sự hướng dẫn và chỉ đạo của người hướng dẫn;
- Viết dự thảo báo các tiêu chí, tiêu chuẩn của BC ĐGN các trình độ của GDĐH và CĐSP dưới sự hướng dẫn và chỉ đạo của người hướng dẫn.
c) Nội dung
- Hệ thống bảo đảm chất lượng và vận hành CTĐT;
- Mô hình kiểm định chất lượng và CTĐT các trình độ của GDĐH;
- Giới thiệu Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng CTĐT các trình độ của GDĐH và CĐSP;
- Quy trình và hoạt động TĐG chất lượng CTĐT các trình độ của GDĐH và CĐSP;
- Quy trình ĐGN và hoạt động ĐGN CTĐT các trình độ của GDĐH và CĐSP.
d) Hoạt động dạy và học
Thuyết trình, hướng dẫn trực tiếp hoặc online, thảo luận, thực hành và tự học có hướng dẫn.
đ) Phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập
- Báo cáo kết quả tự học; thực hành xây dựng kế hoạch, viết báo cáo theo yêu cầu; dự bài kiểm tra kết thúc phần học;
- Người học phải hoàn thành đủ các bài tập bắt buộc trước khi dự kiểm tra kết thúc. Người học được đánh giá mức “Đạt” ở Phần III nếu bài kiểm tra kết thúc phần học đạt kết quả từ 6/10 điểm trở lên.
4.2.4. Phần IV: Kiến tập, thực tập (01 tín chỉ).
a) Mục tiêu
Người học có khả năng thực hiện các hoạt động trong quy trình ĐGN và viết BC ĐGN CSĐT và CTĐT các trình độ của GDĐH và CĐSP.
b) Chuẩn đầu ra
* Về kiến thức:
- Vận dụng các quy định, quy trình, hoạt động ĐGN CSĐT và CTĐT vào môi trường thực tế;
- Vận dụng được những yêu cầu, mốc chuẩn của các tiêu chí trong các bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng CSGD, CTĐT của GDĐH và CĐSP trong đánh giá và viết BC ĐGN theo nhiệm vụ được phân công.
* Về kỹ năng:
- Kiểm tra, đánh giá được chất lượng thông tin, minh chứng, mức độ phù hợp, chất lượng nội dung minh chứng so với thông tin được thể hiện trong từng tiêu chí, tiêu chuẩn trong BC TĐG và vận dụng đánh giá, nhận định lại thông tin cho phù hợp, chính xác khi viết báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu sâu tiêu chí, tiêu chuẩn khi thực hiện ĐGN;
- Quan sát đánh giá, thu thập được các thông tin về phòng làm việc, phòng học; thư viện; phòng thực hành, phòng thí nghiệm; hệ thống công nghệ thông tin; phòng y tế; sân vận động, nhà tập đa năng và các dịch vị hỗ trợ khác phục vụ cho các lĩnh vực hoạt động của CSĐT/CTĐT và vận dụng để viết được nhận định đã phát hiện so với thông tin liên quan trong BC TĐG khi quan sát;
- Phỏng vấn, thu thập được thông tin từ các bên liên quan và vận dụng viết được nhận định về các thông tin thu được làm cơ sở viết BC ĐGN các tiêu chí, tiêu chuẩn.
* Về mức tự chủ và trách nhiệm:
- Làm việc theo nhóm, phối hợp tốt với thành viên đoàn đánh giá ngoài và trong nhóm chia sẻ thông tin khi quan sát, trải nghiệm trong mỗi hoạt động của đoàn đánh giá ngoài và những nhận định, đánh giá về điểm mạnh, điểm tồn tại của CSĐT/CTĐT theo tiêu chuẩn đánh giá; đề xuất những khuyến nghị phù hợp, khả thi để cải tiến các hoạt động liên quan, nâng cao chất lượng đào tạo;
- Có khả năng độc lập, tự chủ đưa ra nhận xét, đánh giá và khuyến nghị về bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng CSGD, CTĐT theo tiêu chuẩn do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành;
- Chịu trách nhiệm về việc bảo mật thông tin trong BC TĐG, minh chứng đối với các thành viên đoàn đánh giá ngoài, đối với CSĐT, với tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục.
c) Nội dung
- Nghiên cứu kế hoạch, chương trình làm việc của đoàn đánh giá ngoài;
- Tham gia các cuộc họp, phiên làm việc của đoàn đánh giá ngoài; thực hiện nhiệm vụ được phân công;
- Nghiên cứu hồ sơ, đối chiếu minh chứng hiện có theo danh mục/các minh chứng bổ sung theo yêu cầu;
- Tham gia các nhóm kiểm tra thực tế theo phân công;
- Tham gia các nhóm phỏng vấn các bên liên quan theo phân công;
- Viết dự thảo BC ĐGN theo phân công.
d) Hoạt động dạy và học
Học tập trải nghiệm, thực hành, thực tập và tự học có hướng dẫn.
đ) Phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập
- Sáu (06) bài viết nhận xét, báo cáo theo nội dung hoạt động học tập;
- Người học có 06 bài viết nhận xét, báo cáo được đánh giá ở mức đạt điểm 6/10 điểm trở lên thì được nhận bài kiểm tra kết thúc học phần là viết Báo cáo thu hoạch kiến tập, thực tập. Người học được đánh giá ở mức "Đạt" khi báo cáo thu hoạch kiến tập, thực tập có kết quả từ 7/10 điểm trở lên.
5. Điều kiện cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa học
Người học hoàn thành và đạt yêu cầu tất cả 04 phần học của chương trình được xét công nhận và cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ KĐV GDĐH và CĐSP.
6. Đội ngũ giảng viên và nhân lực hỗ trợ
- Đội ngũ giảng viên cơ hữu: 05 người;
- Đội ngũ giảng viên thỉnh giảng đến từ các đơn vị khác: trên 10 người;
- Đội ngũ nhân viên hỗ trợ: 05 người, đến từ Văn phòng, Phòng Hợp tác - Phát triển và Phòng Đánh giá và Công nhận chất lượng giáo dục của Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long.
7. Cơ sở vật chất, công nghệ và học liệu
Trung tâm có đủ các nguồn lực về cơ sở vật chất, thiết bị để thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định viên, cụ thể:
- Có 03 phòng học, đầy đủ trang thiết bị bàn ghế, máy tính máy chiếu hỗ trợ giảng dạy, thuyết trình, thảo luận nhóm, thực hành… với diện tích từng phòng đáp ứng yêu cầu theo số lượng học viên đăng ký. Địa điểm: Học viện Chính trị Khu vực I, số 15 Khuất Duy Tiến, Hà Nội (theo hợp đồng đã ký giữa Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long và Học viện Chính trị Khu vực I);
- Có trang thông tin điện tử dành cho bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định viên với đầy đủ thông tin công khai, cập nhật về điều kiện để tổ chức bồi dưỡng, cách thức tổ chức thực hiện chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ KĐV, thông tin về học liệu, tài liệu tham khảo, các hướng dẫn cần thiết đối với người học tại địa chỉ www.ceathanglong.edu.vn;
- Có đầy đủ tài liệu biên soạn riêng cho chương trình bồi dưỡng; các văn bản tài liệu sử dụng làm tài liệu học tập, tài liệu tham khảo, cùng các bài giảng, bài tập, bài thực hành đều được in ấn phát cho học viên;
- Sử dụng phần mềm MS Teams hỗ trợ dạy học trực tuyến với khả năng quản lý toàn bộ quá trình dạy và học, hỗ trợ tương tác giữa người học với nhau và giữa người học với người dạy./.
© 2025, Thang Long Centre for Education Accreditation. All rights reserved