Bàn về tính độc lập trong Kiểm định chất lượng giáo dục

31/05/22 13:26

TS. Nguyễn Thị Kim Phụng - Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) Thăng Long, Giám đốc Công ty Luật TNHH Kim Phụng và Cộng sự - cho rằng công tác KĐCLGD thời gian qua đạt những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, do sự thiếu tính độc lập ở mức độ cao của các trung tâm KĐCLGD chính là hạn chế có thể dẫn đến những hệ lụy không tốt về lâu dài.

Image

* Theo luật, các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) phải độc lập về tổ chức với trường đại học nhưng hiện nay các trung tâm này vẫn thuộc đại học. Phải chăng các trung tâm hoạt động trái luật?
Điều 52 Luật GDĐH (ban hành năm 2012, được sửa đổi, bổ sung năm 2018) có quy định: "Tổ chức KĐCLGD có tư cách pháp nhân, độc lập về tổ chức với cơ quan quản lý Nhà nước và cơ sở giáo dục đại học, có trách nhiệm giải trình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động KĐCLGD và kết quả KĐCLGD đại học". Thực tế thì đã có khá nhiều ý kiến về vấn đề tổ chức KĐCLGD độc lập về tổ chức với cơ quan quản lý nhà nước và cơ sở giáo dục đại học do cách hiểu khác nhau và thực tế, việc "độc lập" cũng có nhiều mức độ khác nhau.

Ở mức độ tối thiểu và thông dụng nhất, Tổ chức KĐCLGD có tư cách pháp nhân, độc lập về tổ chức với cơ quan quản lý nhà nước và cơ sở giáo dục đại học nghĩa là trung tâm KĐCLGD phải là một pháp nhân độc lập theo đúng quy định tại Điều 74Điều 83 của Bộ Luật Dân sự hiện hành, không phải là một đơn vị thuộc cơ quan quản lý nhà nước hoặc cơ sở giáo dục đại học. Ở mức độ này, tất cả các trung tâm KĐCLGD đều đáp ứng.

Trích Điều 74 và Điều 83 của Bộ Luật Dân sự

Điều 74. Pháp nhân
1. Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan;
b) Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này;
c) Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;
d) Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
2. Mọi cá nhân, pháp nhân đều có quyền thành lập pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Điều 83. Cơ cấu tổ chức của pháp nhân
1. Pháp nhân phải có cơ quan điều hành. Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan điều hành của pháp nhân được quy định trong điều lệ của pháp nhân hoặc trong quyết định thành lập pháp nhân.
2. Pháp nhân có cơ quan khác theo quyết định của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật.

Ở mức độ cao hơn, các trung tâm KĐCLGD công lập không chỉ là pháp nhân độc lập như nêu trên mà còn không có cơ quan quản lý trực tiếp về hành chính, không bị can thiệp về tổ chức, nhân sự và các hoạt động hành chính (của cơ quan chủ quản) để bảo đảm cho các hoạt động chuyên môn thực sự độc lập, khách quan, chỉ tuân theo pháp luật.

Ở mức độ cao nhất, tính độc lập của trung tâm KĐCLGD không chỉ dừng lại ở độc lập về cơ cấu tổ chức mà quan trọng nhất là có vị thế độc lập, được tự chủ xây dựng, quyết định về tiêu chuẩn, quy trình KĐCLGD; tự xây dựng được uy tín trong hệ thống giáo dục và được Nhà nước thừa nhận (về tiêu chuẩn, quy trình, năng lực tổ chức và hoạt động KĐCLGD).

Cơ sở của việc xác định tính độc lập ở mức độ cao như trên xuất phát từ bản chất của KĐCLGD là để đáp ứng nhu cầu tự thân, tự nguyện của chính các trường, muốn được đánh giá khách quan từ góc nhìn toàn diện của tổ chức chuyên môn, chuyên nghiệp ở ngoài trường. Qua đó để các trường xác định điểm mạnh, điểm yếu; giải pháp khắc phục hạn chế và lộ trình phát triển để đạt được mục tiêu mà mỗi trường đặt ra. Như vậy, KĐCLGD hoàn toàn khác với thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước (không xác định, đánh giá vi phạm và xử phạt). Cho nên cần một tổ chức thực sự độc lập, khách quan, vì nhu cầu, mục đích tự thân của chính nhà trường; tiến tới hài hoà với lợi ích của các bên liên quan cũng như lợi ích chung của xã hội để phát triển bền vững. Vì vậy, các tổ chức KĐCLGD này rất cần phải độc lập, không bị chi phối bởi các cơ quan Nhà nước (luôn có xu hướng quan tâm đến đúng hay sai) hoặc của các cơ sở giáo dục đại học (vừa là đối tượng của KĐCLGD, vừa là các chủ thể cạnh tranh nhau nên nếu trung tâm KĐCLGD còn phụ thuộc vào cơ sở giáo dục đại học về tổ chức thì có nguy cơ/xu hướng không khách quan). Chỉ có như vậy, các trường mới bộc lộ tất cả hiện trạng để trung tâm KĐCLGD giúp họ đánh giá toàn diện về cơ sở giáo dục, về chương trình đào tạo một cách khách quan nhất, vì sự phát triển trước hết của chính nhà trường.

Đối với các nước có nền giáo dục phát triển như Hoa Kỳ, Anh, Úc, New Zealand, các nước châu Âu... thì hệ thống KĐCLGD của họ thường là tổ chức độc lập ở mức độ cao và hoạt động phi lợi nhuận. Ngay cả những nước hệ thống KĐCLGD do cơ quan Nhà nước thành lập thì tổ chức KĐCLGD cũng độc lập với cơ quan quản lý Nhà nước, có quyền quyết định về tiêu chuẩn, quy trình kiểm định và kiểm định viên…

Tuy nhiên, cần phải khẳng định thêm là “độc lập về tổ chức với cơ quan quản lý Nhà nước” không có nghĩa là không chịu sự quản lý của Nhà nước trong quá trình hoạt động. Tất cả các lĩnh vực hoạt động (giáo dục, văn hoá, y tế, nông, lâm, ngư nghiệp, kinh doanh...) đều phải tuân thủ pháp luật, chịu sự giám sát của Quốc hội và/hoặc có sự quản lý Nhà nước và quản lý về địa bàn hoạt động của chính quyền địa phương. Nhà nước sẽ quy định về điều kiện thành lập, hoạt động; yêu cầu báo cáo, thống kê, công khai minh bạch thông tin; giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm... hướng tới sự liêm chính trong hoạt động KĐCLGD.

Thực tế, mức độ độc lập của các tổ chức KĐCLGD phụ thuộc vào quan điểm, trình độ quản lý của mỗi nước. Các nước phát triển thường hình thành được văn hoá chất lượng sớm và tốt hơn; tư duy, nhận thức, phương tiện kỹ thuật hỗ trợ quản lý xã hội tốt hơn nên nhiều chính sách có thể đi trước một bước, gặp ít rào cản và có khả năng kiến tạo nhiều giá trị mới để định hướng cho sự phát triển nhanh của xã hội; dẫn đến tính độc lập, quyền tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công có xu hướng được xác định ở mức độ cao.

Như vậy, thực tế, 04 trung tâm KĐCLGD công lập ở Việt Nam tại các đại học, trường đại học (VNU-CEA, VNUHCM-CEA, CEA-UD, VU-CEA) chưa được độc lập ở mức độ cao (vẫn còn cơ quan chủ quản) nhưng không phải đang hoạt động trái Luật. Các trung tâm này vẫn là những pháp nhân độc lập về tổ chức với cơ quan quản lý nhà nước và cơ sở giáo dục đại học. Tuy trực thuộc các cơ sở giáo dục đại học công lập nhưng các trung tâm này không phải là một bộ phận hoặc đơn vị thuộc các cơ quan này; không vi phạm quy định tại Luật Giáo dục đại học.

TS. Nguyễn Thị Kim Phụng - Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long, Giám đốc Công ty Luật TNHH Kim Phụng và Cộng sự - cho rằng công tác kiểm định chất lượng giáo dục thời gian qua đạt những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên sự thiếu độc lập cao của các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục chính là hạn chế có thể dẫn đến những hệ lụy không tốt về lâu dài.

* Theo bà, đâu là giải pháp cho sự độc lập về tổ chức cho các trung tâm KĐCLGD công lập?
Để các trung tâm KĐCLGD được độc lập về tổ chức với các cơ quan quản lý Nhà nước và cơ sở giáo dục đại học ở mức độ cao, tôi cho rằng giải pháp khả thi nhất trong điều kiện hiện nay là áp dụng các quy định về tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP. Các trung tâm KĐCLGD này sẽ cơ cấu lại thành những đơn vị sự nghiệp công lập không có cơ quan chủ quản. Nghị định này đã quy định khá rõ về nội dung đề án, tờ trình; hồ sơ, trình tự, thủ tục giải quyết; thẩm quyền quyết định việc tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập (Từ Điều 16 đến Điều 18 Nghị định 120). Các trung tâm KĐCLGD công lập này có thể vừa thực hiện chức năng, nhiệm vụ KĐCLGD, vừa xây dựng, trình phê duyệt và thực hiện đề án tái cơ cấu để không ảnh hưởng đến nhu cầu KĐCLGD của các trường và hệ thống KĐCLGD còn non trẻ của Việt Nam.

Được biết, đây cũng chính là phương án do Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất Thủ tướng Chính phủ trong Tờ trình số 546/TTr-BGDĐT ngày 07/7/2020 và được các nhà khoa học, nhà quản lý, Đại biểu Quốc hội... đồng thuận cao tại cuộc họp bàn về vấn đề này tại cuộc họp do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức ngày 28/10/2020. Các Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính cũng đã có văn bản đồng thuận với phương án này. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quyết định về việc tổ chức lại các trung tâm KĐCLGD công lập (nêu trên) là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư, không có cơ quan chủ quản.

Rất tiếc là phương án này cho đến nay chưa được thực hiện do còn có những ý kiến khác băn khoăn về việc pháp luật không có quy định nào về đơn vị sự nghiệp công lập không có cơ quan chủ quản; làm chậm trễ việc đẩy mạnh tự chủ ở mức độ cao cho các trung tâm KĐCLGD công lập.

Trong phạm vi quan sát của tôi, việc đơn vị sự nghiệp công lập không có cơ quan chủ quản không phải là vấn đề mới đặt ra ở Luật số 34/2018/QH14 mà thực tế đã được quy định từ Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP của Chính phủ (xoá bỏ cơ chế bộ chủ quản) và Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo cũng chủ trương “Xây dựng hệ thống kiểm định độc lập về chất lượng giáo dục, đào tạo”.

Xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, xây dựng cơ chế đại diện sở hữu nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập. Bảo đảm vai trò kiểm tra, giám sát của cộng đồng; phát huy vai trò của các đoàn thể, tổ chức quần chúng, đặc biệt là các hội nghề nghiệp trong việc giám sát chất lượng giáo dục đại học.

Thực tế cũng đã có không ít đơn vị sự nghiệp công lập đang hoạt động theo cơ chế không có cơ quan chủ quản như hai đại học quốc gia, Kiểm toán Nhà nước, Trọng tài quốc tế Việt Nam... và gần đây là Trường Đại học Dệt May Hà Nội. Và nếu cơ cấu lại các trung tâm KĐCLGD công lập thành đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư, không có cơ quan chủ quản thì không những không vi phạm bất cứ quy định nào của pháp luật Việt Nam mà còn có tác dụng tốt trong việc xây dựng hệ thống KĐCLGD của Việt Nam gần hơn với thông lệ quốc tế.

Đầu năm 2022 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 78/QĐ-TTg ngày 14/01/2022 phê duyệt Chương trình “Phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm giai đoạn 2022 - 2030” có nhiều nội dung rất tiến bộ về công tác KĐCLGD. Hy vọng rằng trong thời gian tới, khi triển khai thực hiện quy định Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng cơ chế, chính sách về KĐCLGD đại học và cao đẳng sư phạm trình Chính phủ ban hành trong Quyết định số 78/QĐ-TTg nêu trên thì vấn đề độc lập về “tổ chức” cho các trung tâm KĐCLGD công lập sẽ được giải quyết theo hướng hợp lý và tiến bộ hơn.

* Bà đánh giá thế nào về việc kiểm định đại học thời gian qua? Các quyết định công nhận của các trung tâm thực sự độc lập và khách quan?
Tôi cho rằng trong giai đoạn đầu thực hiện KĐCLGD đại học, trong thời gian chưa dài, từ khoảng 2016 đến 30/4/2022, lại có hơn 02 năm phải thực hiện nhiều lần giãn cách xã hội vì dịch bệnh mà hệ thống đã kiểm định được 185 lượt trường đại học, cao đẳng sư phạm và 652 lượt chương trình đào tạo là một nỗ lực rất lớn của không chỉ hệ thống KĐCLGD mà còn là của cơ quan quản lý nhà nước và các cơ sở giáo dục.

Trong phạm vi quan sát của tôi thì các quyết định công nhận của trung tâm KĐCLGD đã được thực hiện với quy trình khách quan. Bởi vì, đội ngũ những kiểm định viên (KĐV) lớp đầu của Việt Nam và một số KĐV của các tổ chức KĐCLGD uy tín của nước ngoài thực hiện bảo đảm các nguyên tắc của kiểm định: độc lập, khách quan, đúng pháp luật; trung thực, công khai, minh bạch.

Xét cả góc độ lý thuyết và thực tế thì những gì do con người quyết định đều ít nhiều chứa đựng những yếu tố có tính chất chủ quan ở một mức độ nhất định; lĩnh vực KĐCLGD cũng không quá khác với các lĩnh vực khác ở điểm này. Tuy nhiên, trong quá trình KĐCLGD, các KĐV đều có quyền độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ. Theo quy trình thì kết quả KĐCLGD tuy phản ánh đánh giá của KĐV nhưng phải được cả đoàn đánh giá ngoài thống nhất nhận định; hầu hết được cơ sở đào tạo chấp nhận, được trung tâm KĐCLGD thừa nhận... Kết quả đánh giá cũng phải được bảo vệ trước hội đồng KĐCLGD (hội đồng hầu hết là những KĐV, những nhà quản lý giáo dục có kinh nghiệm, có uy tín, thuộc nhiều trung tâm KĐCLGD và cơ sở đào tạo khác nhau...). Đồng thời, kết quả đánh giá phải công khai để toàn xã hội giám sát. Nhiều cơ sở giáo dục đại học muốn xây dựng uy tín cũng ngày càng ý thức được và yêu cầu về việc chi phí cho công tác KĐCLGD cần thu được những kết quả thiết thực để phát triển cơ sở bền vững. Cơ chế này hiện nay đang phát huy tác dụng ở giai đoạn đầu, làm cho các quyết định công nhận chất lượng buộc phải ngày càng khách quan nhất.

* Nhiều ý kiến cho rằng việc thu phí kiểm định, thiếu độc lập tổ chức khiến công tác kiểm định và quyết định công nhận bị chi phối? Ý kiến bà thế nào?
Vấn đề độc lập về tổ chức của các trung tâm KĐCLGD công lập đã được đề cập đến ở phần trên. Nếu họ được độc lập ở mức độ cao thì quá trình kiểm định sẽ có điều kiện độc lập, khách quan, chỉ tuân theo pháp luật ở mức độ tương xứng và tiệm cận gần hơn với thực chất kiểm định là để đáp ứng nhu cầu tự thân của các trường và của cả hệ thống, với mục đích nâng cao chất lượng đào tạo.

Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu, khi mà Nhà nước vẫn thống nhất quy định tiêu chuẩn, quy trình kiểm định và về KĐV; những trung tâm KĐCLGD đầu tiên đều là công lập và hiện vẫn giữ vai trò trụ cột trong việc thực hiện công tác KĐCLGD đại học ở nước ta; các trung tâm KĐCLGD tư thục đều là những tổ chức mới thành lập… thì việc các trung tâm công lập chưa được độc lập ở mức độ cao không phải là vấn đề làm cho hoạt động kiểm định bị chi phối đáng kể. Bằng chứng là các trung tâm KĐCLGD hiện nay đang hoạt động tương tự như nhau, không phân biệt công tư, chủ yếu dựa trên tiêu chuẩn, quy trình do Nhà nước quy định và đội ngũ KĐV dùng chung. Sau chu kỳ kiểm định đầu, quy trình quản lý chất lượng và văn hoá chất lượng của giáo dục đại học chắc chắn sẽ được nâng lên một bước đáng kể trong toàn hệ thống.

Song, nếu như cứ kéo dài cơ chế này thì hoạt động kiểm định chủ yếu vẫn là hoạt động giống như quản lý Nhà nước, chủ yếu để cho trường được hưởng những quyền lợi khác mà kết quả kiểm định mang lại như tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh, quy định mức học phí, mở ngành đào tạo... Do việc sử dụng kết quả kiểm định vào công tác quản lý Nhà nước và các trường đạt tiêu chuẩn kiểm định được thêm những quyền lợi trước mắt nên ngoài mặt tốt đã nêu trên, nó ít nhiều làm cho hoạt động kiểm định hướng đến mục tiêu kiểm định đạt nhiều hơn mà chưa đi vào bản chất bên trong là giúp các trường xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong, nhìn đúng thực trạng tốt, xấu của mình một cách khách quan nhất để có định hướng phát triển tốt hơn; thực sự đạt chất lượng cao hơn từ chính điều kiện và mục tiêu riêng của mỗi trường. Nhiều trường sẽ vẫn chỉ nhìn nhận kiểm định là việc phải làm để đạt được quyền lợi trước mắt mà chưa nhìn thấy nhu cầu kiểm định từ chính bên trong nhà trường, chưa xem kiểm định là việc thực sự muốn làm để nâng cao chất lượng, là lĩnh vực đầu tư phát triển. Điều đó liên quan đến nguy cơ hình thành tư duy tính toán cho việc trả phí kiểm định để được công nhận đạt kết quả kiểm định của tất cả các bên liên quan.

Cùng với cách tiếp cận kiểm định trước hết là để đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng, phát triển bền vững của các trường; để khẳng định uy tín, thương hiệu trước người học và xã hội, nên việc các trung tâm cung ứng dịch vụ KĐCLGD thu phí kiểm định từ các trường là tất yếu. Việc thu phí có làm ảnh hưởng đến kết quả kiểm định hay không chủ yếu phụ thuộc vào nhận thức của nhà trường, của KĐV và trung tâm KĐCLGD và một phần phụ thuộc vào cơ chế sử dụng kết quả kiểm định. Nếu các bên xác định việc trả khoản phí đó là để có giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng thì kết quả kiểm định có thể bị chi phối theo hướng chưa chắc đã phản ánh đúng thực trạng chất lượng của nhà trường. Nếu các bên xác định khoản phí đó để được cung ứng dịch vụ đánh giá các mặt hoạt động của trường tốt/chưa tốt một cách khách quan nhất trên cơ sở các tiêu chuẩn kiểm định được lựa chọn và nhận được những khuyến nghị hữu ích từ các chuyên gia cho sự phát triển bền vững của trường để không ngừng cải tiến và nâng cao chất lượng thì kết quả kiểm định sẽ không bị chi phối.

* Để tất cả trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục thực sự độc lập về khoa học, công nhận quyết định, theo bà, đâu là giải pháp?
Tôi mơ ước đến một ngày, các trung tâm KĐCLGD Việt Nam sẽ được hoạt động trong hệ thống Tổ chức kiểm định quốc gia, thống nhất, độc lập với cơ quan quản lý Nhà nước ở mức độ cao, tự quyết định về KĐV, về tiêu chuẩn, quy trình, cách thức thực hiện, công nhận kết quả… được Nhà nước thừa nhận và hệ thống giáo dục đại học trong nước và cả ngoài nước tin cậy lựa chọn.

Mức phí và cách thức thu phí cũng được tổ chức KĐCLGD quy định thống nhất, minh bạch. Cụ thể là: thực hiện nguyên tắc kiểm định bắt buộc và định kỳ thì khi có nhu cầu hoặc đến kỳ kiểm định, tất cả các trường đều phải đóng vào Quỹ quốc gia về KĐCLGD một khoản phí theo cách tính bình đẳng, để chi trả cho việc kiểm định cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo. Các trường có quyền lựa chọn trung tâm KĐCLGD tốt nhất để thực hiện và Quỹ quốc gia về KĐCLGD nêu trên sẽ chi trả ở mức đã được quy định thống nhất cho các trung tâm KĐCLGD về dịch vụ đã cung cấp.

Như vậy, các KĐV có chuyên môn tốt sẽ lựa chọn để làm việc với trung tâm KĐCLGD tốt nhất; các trung tâm KĐCLGD sẽ phấn đấu để thu hút KĐV tốt và cung cấp dịch vụ KĐCLGD tốt nhất để các trường lựa chọn; tổ chức KĐCLGD quốc gia sẽ chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ, quyết định việc xem xét và công bố kết quả kiểm định. Cơ chế đó sẽ phân định rõ vai trò của “người đá bóng”, “người thổi còi” và ít đất hơn để phát sinh hiện tượng cạnh tranh trong việc tiếp thị, mời chào, nâng/hạ giá dịch vụ kiểm định… có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng và kết quả kiểm định.

Kiểm định chất lượng chương trình đào tạo tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
 

* Đội ngũ kiểm định viên được cho là trái ngành, không phải chuyên gia trong lĩnh vực kiểm định cũng khiến việc kiểm định hình thức? Ý kiến của bà thế nào? Làm sao để kiểm định chất lượng thực sự chất lượng, tạo chuyển biến đáng kể cho các trường?
Hiện nay, không có việc đào tạo KĐV để cấp văn bằng kiểm định nên không có khái niệm KĐV trái ngành. Theo quy định, KĐV phải là giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục hoặc đã từng là giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục, có thời gian giảng dạy hoặc làm công tác quản lý giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp từ 10 năm trở lên đối với kiểm định viên kiểm định chất lượng giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp; Am hiểu pháp luật, chế độ, chính sách về giáo dục; Có chứng chỉ hoàn thành chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiểm định viên theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo... và một số điều kiện khác. Như vậy, khi đạt các tiêu chuẩn được quy định trên thì KĐV có thể được coi là chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục. Trong hệ thống hiện nay có tới khoảng gần 400 ngành đào tạo; trong đó, có những ngành nhiều trường đào tạo nhưng có những ngành ít trường đào tạo. Mỗi ngành ở mỗi trường lại có thể có một hoặc nhiều chương trình đào tạo... Cả nước hiện này cũng chỉ có hơn 300 KĐV được cấp thẻ và một số mới được cấp chứng chỉ hoàn thành chương trình đào tạo, bồi dưỡng KĐV. Do đó, khi kiểm định chương trình đào tạo, theo quy định mỗi đoàn đánh giá ngoài có từ 5-7 KĐV thì không phải chương trình nào cũng có đủ KĐV có chuyên môn đúng với chương trình được kiểm định.

Thực tế, hiện nay, khi kiểm định chương trình đào tạo, các đoàn thường bố trí các KĐV có chuyên môn đúng với chương trình được kiểm định phụ trách các tiêu chuẩn có liên quan trực tiếp đến chương trình được kiểm định. Còn các tiêu chuẩn về điều kiện bảo đảm chất lượng để thực hiện chương trình là các chuyên gia khác cũng khá hợp lý và khả thi.

Trong phạm vi kinh nghiệm của tôi, nếu muốn kiểm định chất lượng thực sự chất lượng, tạo chuyển biến đáng kể cho các trường thì ngoài các vấn đề về cơ chế, chính sách, quản lý; về nhận thức của các bên liên quan; về mục tiêu kép của kiểm định; về định hướng hình thành tổ chức KĐCLGD quốc gia thống nhất, độc lập với cơ quan quản lý Nhà nước và cách thu phí... như đã nêu trên; công tác KĐCLGD còn cần phải được đầu tư về kỹ thuật và con người.

Về kỹ thuật, cần phải có hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia có đầy đủ số liệu, thông tin về các điều kiện bảo đảm chất lượng mà các cơ sở giáo dục phải đăng ký, cập nhật và chịu trách nhiệm... để hỗ trợ cho công tác quản lý và kiểm định.

Về con người, các KĐV phải là lực lượng chuyên gia tinh tuý, vừa hồng về liêm chính nghề nghiệp, vừa chuyên về chuyên môn nghiệp vụ. Đội ngũ này và các trung tâm KĐCLGD cần được quy định các điều kiện tuyển chọn, điều kiện thành lập khắt khe; hoạt động công khai, minh bạch, chịu sự giám sát chặt chẽ của tổ chức KĐCLGD quốc gia và của Nhà nước, của hệ thống giáo dục đại học và toàn xã hội; bảo đảm có thu nhập cao và có cơ chế xử phạt, đào thải chặt chẽ nếu vi phạm liêm chính nghề nghiệp hoặc yếu kém về chuyên môn, nghiệp vụ.

(Nguồn: https://tuoitre.vn/tranh-canh-tranh-nang-ha-gia-kiem-dinh-chat-luong-giao-duc-20220531100329655.htm) 

VĂN PHÒNG, TRUNG TÂM KĐCLGD THĂNG LONG

Tin tức khác


Image
Bế mạc Khảo sát chính thức Đánh giá chất lượng 6 chương trình đào tạo của Trường Đại học Vinh

Ngày 30/8/2024, Trường Đại học Vinh và Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long trang trọng tổ chức Bế mạc Khảo sát chính thức Đánh giá...
03/09/24 16:37
Image
Bế mạc đợt khảo sát chính thức đánh giá ngoài 05 chương trình đào tao trình độ đại học tại Trường Đạ...

Ngày 25/8/2024, Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh tổ chức phiên bế mạc đợt khảo sát chính thức đánh giá ngoài 05 Chương trình đào tạo trình đ...
29/08/24 09:18
Image
Lễ khai mạc đợt khảo sát chính thức đánh giá ngoài 07 Chương trình đào tạo trình độ Thạc sĩ theo địn...

Ngày 04/8/2024, Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức phiên khai mạc đợt khảo sát chính thức đánh giá ngoài 07 Chương trình đào tạo trình độ Thạc sĩ...
05/08/24 11:20